Cây guột là cây gì? Làm giàu từ cây guột

Theo Bá Trung/ Kinh tế & Đô thị

Bằng bàn tay khéo léo và trí sáng tạo, những người thợ ở làng Lưu Thượng (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) đang ngày đêm cần mẫn tạo nên những hình thù ngộ nghĩnh từ cỏ tế, tre, cói, dây rừng, bèo tây… hấp dẫn khách hàng khắp nơi trên thế giới. Với nghề này, họ đã “đổi” được nhiều đồng đôla về gia đình mình và góp phần thay đổi diện mạo quê hương…

Ông Nguyễn Quốc Sinh, chủ doanh nghiệp Phú Thượng cho biết: Làng nghề trước kia chỉ gói gọn trong thôn, phạm vi rất nhỏ hẹp, sản phẩm ít. Người trong làng thu mua cỏ tế, chế thành nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề khác là chính. Lưu Thượng là nơi cung cấp nguyên liệu cho làng đan ở Ninh Sở, làng rổ rá ở Cầu Bầu, làng nong nia ở Lau, Trường Thịnh, làng nón ở Chuông…

 Làm giàu từ…cỏ tế

Cây guột tế là một loại cỏ mọc hoang ở rừng nhiệt đới miền Bắc nước ta. Khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm là mùa cây guột cho khai thác. Người ta cắt lấy phần ngọn, còn chừa gốc để đến mùa xuân, nó lại tự mọc lên tươi tốt. Đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên rất quý giá đối với người dân làm nghề ở xã Phú Túc. Nghề đan cỏ guột tế giống như nghề đan lát mây, tre, nhưng sợi guột tế có ưu thế về màu đỏ nâu tự nhiên rất đẹp. Để sản phẩm bền màu và tươi tắn hơn, người ta chỉ cần phun một nước dầu bóng mà không cần phải ngâm với bất kỳ loại hoá chất độc hại nào. Hơn nữa, nó mềm mại, dẻo dai, nên dễ tạo thành nhiều hình thù khác nhau và đặc biệt có độ bền cao. Cũng như sản phẩm từ mây, tre, giang…, đồ dùng từ guột tế có nguồn gốc từ thiên nhiên nên thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của khách hàng khắp thế giới.

Nên xem:   Người đem trái gấc Việt Nam “xuất ngoại”

Trước đây, người làng nghề thường sử dụng cây guột tế để đan thành đồ dùng hàng ngày và chẻ thành sợi để bán cho những địa phương có nghề đan rổ, rá… Họ dùng sợi guột để nức cạp rổ, cạp rá, nón, mũ… rất bền và đẹp… Với sự năng động của người làng nghề, họ cải tiến mẫu mã, làm ra những sản phẩm thủ công đa dạng như: các con giống ngộ nghĩnh, lẵng hoa xinh xắn, những chiếc làn đủ hình thù, kích cỡ… Những mặt hàng này được người làng nghề đem giới thiệu, chào hàng và được khách hàng từ nhiều nước đón nhận nồng nhiệt. Những hợp đồng lớn từ các nước Đông Âu, Canada, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… tạo việc làm thường xuyên với thu nhập cao cho người dân 8 làng trong xã và hàng nghìn người từ các vùng lân cận.

Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, hiện nay, ngoài nguyên liệu chính là cỏ guột tế, những người thợ tài hoa Phú Túc đã xen vào các nguyên liệu khác như dây rừng, bèo tây, cói, mây… để tạo nên những sản phẩm đa dạng, với nhiều cấp độ sắc màu tự nhiên của các nguyên liệu đan xen. Đó là những chiếc làn được kết nơ từ bèo tây, quai lẵng hoa bằng dây rừng, xe đạp có khung từ sợi mây… Cá biệt, có người thợ tài hoa còn sáng tạo thêm những khung sắt rồi ken dày sợi guột tế, bên trong lót nilon, tạo thành các loại bồn cây, valy, làn… đủ kích cỡ lạ mắt mà cứng cáp, bền chắc…

Nên xem:   Cây Yucca và nhiều công dụng tuyệt với

Không ngừng vươn xa

Khi nghề đan cỏ tế truyền ra các làng phụ cận thì số lượng sản phẩm tăng nhanh. Đến nay, làng nghề đã có hơn 30 doanh nghiệp, mở rộng ra thành khu vực làng nghề gồm 10 xã thuộc 3 huyện Phú Xuyên, Ứng Hoà, Thanh Oai với khoảng 15.000 lao động. Những năm đầu, doanh số làng nghề đạt 500 – 700 triệu đồng/năm, nay đạt trên 70 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách 2 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, do biến động chung của thị trường nên mấy năm gần đây, làng nghề đan cỏ Phú Túc cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Giá nguyên liệu tăng cao, tiền công lao động đắt đỏ nhưng giá bán sản phẩm không tăng kịp. Để thích ứng với thị trường, các doanh nghiệp đã chú ý sản xuất những mặt hàng độc đáo, mặt khác điều đình với bên mua để điều chỉnh giá. Doanh nghiệp Phú Thượng đã làm tranh cổ mà giáo dân thường sử dụng trong ngày lễ Nô-en và các ngày lễ khác. Hiện nay ông Sinh đang đàm phán với khách hàng chia sản phẩm thành 4 nhóm giá; nhóm I tăng 20%; nhóm II tăng 25-30%; nhóm III tăng 35%; nhóm IV tăng 50% và đề nghị khách hàng cho điều chỉnh giá từng năm. Ông Sinh nói: Năm 2006 doanh nghiệp của ông bán được 12 tỉ đồng hàng hoá, năm 2007 bán được 14,2 tỉ, về giá trị thì có tăng nhưng lợi nhuận thì giảm nhiều… Để làng nghề phát triển bền vững thì phải có đầu ra cho sản phẩm và nguồn nguyên liệu ổn định, vì vậy ông đang trăn trở đi tìm vùng nguyên liệu mới cho sản phẩm và tích cực tìm thị trường mới.

Nên xem:   Cây Kim tiền gây độc và những bí mật “chết người” gây sốc

Ông Phạm Tuấn Đa, chủ tịch UBND xã Phú Túc cho biết: Tỉ trọng tiểu thủ công nghiệp hiện nay đã chiếm 63% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Tới đây, xã đang làm thủ tục xin phép xây dựng điểm công nghiệp 5 ha nằm ở cánh đồng thôn Lưu Thượng. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi, kết hợp với sự tài hoa, năng động của người làng nghề, tin rằng, họ sẽ đưa cây guột tế “vươn xa” hơn.

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận