Vùng sắn Yên Bái: Hàng tỉ đồng nằm trong đất

Theo Đại Đoàn Kết Online

Cây sắn được chở về… làm củi

Chưa bao giờ số phận cây sắn cũng như người trồng sắn tại các tỉnh Miền Bắc lại lao đao như lúc này. Khảo sát tại Yên Bái, nơi được coi là “vương quốc sắn của Miền Bắc”, cho thấy, tháng 3 là thời điểm cuối của vụ thu hoạch và bước vào trồng vụ mới nhưng hiện tại Yên Bái vẫn còn hàng ngàn ha sắn chưa thu hoạch. Tại Văn Yên một trong những huyện có diện tích trồng sắn lớn nhất của tỉnh giá sắn đang rớt thảm hại. Người nông dân không muốn, thậm chí không dám thu hoạch. Họ để sắn ở trên đồi, để sắn một năm thành sắn hai năm, chấp nhận để hàng tỉ đồng chôn trong đất

Sắn một vụ thành sắn hai vụ

Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện Văn Yên, ước tính tại huyện vẫn còn khoảng 50% diện tích sắn vẫn chưa thu hoạch. Ngoài vấn đề hàng chục tỷ đồng tiền sắn của dân còn nằm trong lòng đất, thì nguy cơ nhãn tiền là sẽ không có mùa vụ tiếp theo.

Niên vụ thu hoạch sắn năm 2008 – 2009 chững lại và cầm chừng. Nguyên nhân, giá sắn đã rớt từ 1.000 đồng/kg củ tươi xuống chỉ còn 450đồng. Xã Đông Cuông nằm ở trung tâm vùng sắn của Văn Yên, mọi năm, vào những ngày này xe chở sắn củ tươi, sắn lát khô chạy tấp nập trên đường, nhưng năm nay vắng hoe, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe trâu chở sắn củ tươi ì ạch từ các khe đồi trong các thôn bản đi ra. Cái rét cuối vụ tràn về thật bất ngờ, nhưng trên lưng áo vợ chồng anh Nguyễn Văn Chiến (thôn Cầu Khai xã Đông Cuông) vẫn thấm đẫm mồ hôi. Vừa tra ngô trên mảnh ruộng sắn vừa thu hoạch chị Chiến tâm sự, nhà có hơn vạn gốc sắn nếu chăm bón tốt để sắn cho nhiều củ và được giá như vụ năm ngoái gia đình cũng thu về xấp xỉ 20 triệu, trừ tiền phân bón, tiền công thu hoạch, vận chuyển cũng lãi nhưng năm nay giá sắn chỉ bằng nửa của năm ngoái. Vẫn biết nếu thu hoạch sẽ nắm chắc phần lỗ nhưng nếu không thu hoạch thì chẳng biết lấy tiền đâu để trang trải nợ nần.

Nỗi lo của gia đình anh Chiến cũng là nỗi lo của hầu hết người trồng sắn. Nhiều gia đình Đông Cuông, riêng tiền phân đã “ngốn” hơn 40 – 50 triệu, nếu năm nay thu hoạch cộng cả tiền thuê thu hoạch, vận chuyển càng trồng nhiều, càng đầu tư nhiều càng lỗ to. Giải pháp để sắn lại trên đồi mong chờ giá sắn sẽ tăng lên trong khi đó vẫn phải mang nợ tiền phân, tiền lãi của đại lý gần như là giải pháp duy nhất.

Nên xem:   Cây Dừa sáp - bỏ cả chục triệu cũng không có để thưởng thức

Cũng như Đông Cuông, các xã trọng điểm khác của vùng sắn Văn Yên cũng đang gồng mình chống chọi với những khó khăn do việc rớt giá sắn. Chúng tôi tìm đến Lâm Giang một trong những xã vùng thượng của tỉnh Yên Bái. Trao đổi với chúng tôi chủ tịch xã Vũ Mạnh Hải cho biết, toàn xã có hơn 400 ha sắn cho sản lượng 16.000 tấn nhưng hiện tại vẫn còn khoảng 50% diện tích trên toàn xã vẫn chưa thu hoạch. Lý giải cho việc bà con vẫn chưa muốn thu hoạch mặc dù đang vào mùa vụ ông Hải cho rằng: Do năm nay giá sắn giảm chỉ bằng nửa của năm trước, cùng với đó là giá phân bón mà bà con đã đầu tư cho vụ thu hoạch năm nay quá cao nên nếu bán sắn vào thời điểm hiện tại là nắm chắc phần thua lỗ do vậy nhiều bà con chưa nhổ sắn mà vẫn chờ giá sắn lên.

Các nhà máy chế biến cũng gần chết đứng như người nông dân

Người dân hoang mang không thể hiểu nổi vì sao sắn lại rớt giá thảm hại như vậy. Trong khi nhiều người vẫn phải chấp nhận thu hoạch sắn dù biết là nắm chắc phần lỗ thì nhiều người dân chưa muốn nhổ chờ giá lên. Các nhà máy và các cơ sở chế biến thủ công cũng đang tiến hành thu mua chậm chạp và sản xuất cầm chừng. Hiện tại Văn Yên có hai nhà máy chế biến tinh bột, nằm tại xã Đông Cuông và xã Lâm Giang, cùng với đó là hơn 800 lò sấy sắn khô thủ công nằm rải rác trên địa bàn các xã. Hiện tại các nhà máy này vẫn đang cắt giảm mạnh sản lượng. Và mọi hoạt động chỉ là cầm chừng. 

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, mỗi năm công ty chế biến từ 15 đến 18 ngàn tấn tinh bột sắn, tất cả đều để dành xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá trung bình năm 2008 là 5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên năm 2009, do nhu cầu từ phía Trung Quốc giảm nên giá sản phẩm xuống thấp chỉ có thể xuất khẩu được với giá 3 triệu đồng/ tấn. Do chưa ký được nhiều hợp đồng với các đối tác nước ngoài nên năm nay công ty đang có kế hoạch giảm sản lượng chế biến, năm 2009 công ty dự kiến chỉ chế biến từ 10-12 nghìn tấn tinh bột.

Nên xem:   Cách chiết cây ăn quả ra rễ sau 2-3 tuần

Chúng tôi đến nhà máy sắn Văn Yên trên địa bàn xã Đông Cuông, không khí khá ảm đạm. Ông Trần Quang Hưng kế toán trưởng nhà máy sắn Văn Yên cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhà máy mới thu mua được hơn 20 nghìn tấn sắn củ tươi mà lượng thu mua sụt giảm như vậy vì người trồng sắn không thu hoạch khiến sản lượng bị sụt giảm. Đến thời điểm này nhà máy mới chế biến được hơn 5.000 tấn tinh bột. Để hỗ trợ người nông dân tháng 1-2009, tỉnh Yên Bái hỗ trợ 50 đồng/kg, giá thu mua mới nâng lên được 550 đồng/kg, người dân cũng thu hoạch và chở sắn tới nhà máy cũng tăng lên, nhưng nói chung là sản xuất cũng vẫn cầm chừng không sôi động như các năm trước.

Anh Đỗ Văn Liên chủ cơ sở sản xuất tinh bột sắn và sắn lát khô tại thôn 15 xã Lâm Giang cho biết, mỗi năm gia đình anh thu mua từ 20.000 – 30.000 tấn sắn củ tươi, như vụ 2007 – 2008 cơ sở của anh chế biến hơn 14.000 tấn sắn lát khô. Nhưng đến mùa vụ năm nay cơ sở của anh mới thu mua được trên 10.000 tấn sắn củ tươi. Lý giải điều này anh Liên cho biết, do bên Trung Quốc không tiến hành thu mua ồ ạt như các năm trước nên giá sắn giảm chỉ còn một nửa mà bà con nông dân cũng không chịu thu hoạch nên cũng không có sắn. Chẳng biết bao giờ giá sắn mới lại tăng lên, chúng tôi vẫn đành phải sản xuất cầm chừng vậy, anh Liên ngao ngán.

Hàng chục tỷ đồng vẫn nằm trong đất

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, diện tích trồng sắn của toàn tỉnh năm 2008 là hơn 15.790 ha, trong đó chủ yếu là sắn cao sản loại giống KM94, KM60 tập trung ở các huyện Văn Yên, Yên Bình và Văn Chấn với hơn 9.762 ha. Trong những năm qua do nhu cầu thu mua sắn tăng cao từ thị trường Trung Quốc đã khiến giá sắn củ tươi liên tục tăng, từ 500 đồng/kg lên 700 đồng/kg, 900 đồng/kg, thời kỳ hoàng kim của cây sắn tại Yên Bái giá sắn tươi vụ sắn 2007 – 2008 lên tới 1.200 đồng/kg.

Nên xem:   Cách pha vôi quét cho gốc cây, cách quét vôi cho gốc cây hiệu quả nhất

Giá sắn tăng cao dẫn đến diện tích trồng sắn cao sản ở Văn Yên tăng nhanh chóng mặt, theo quy hoạch của tỉnh thì Văn Yên trồng 4.000 ha sắn cao sản, nhưng đến nay tăng gấp rưỡi với 6.210 ha sắn cao sản trên tổng diện tích 6.644 ha, đây là vùng sắn tập trung lớn nhất của Yên Bái. Theo một cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên đây là diện tích sắn trồng tập trung thống kê được, vẫn diện tích sắn được bà con trồng xen kẽ, phân tán nhỏ lẻ diện tích cũng xấp xỉ 10.000 ha.

Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện Văn Yên sản lượng sắn vụ 2008 – 2009 của Văn Yên là vào gần 162 nghìn tấn, nhưng từ đầu vụ đến nay các nhà máy mới chỉ tiêu thụ được xấp xỉ 30 nghìn tấn. Theo báo cáo của các xã, tính đến nay toàn huyện mới thu hoạch được trên 50% diện tích, do giá quá thấp nên người dân không muốn thu hoạch, họ để sắn lại đồi, để sắn một năm thành sắn hai năm vì nếu thu hoạch về họ sẽ lỗ to. Với diện tích sắn còn đang tồn đọng lại chưa thu hoạch ước tính khoảng vài chục tỷ đồng vẫn đang nằm trong đất cùng với đó là nguy cơ không có mùa vụ tiếp theo.

Không chỉ cây sắn ở Yên Bái , tại các vựa sắn của tỉnh Hòa Bình như Đà Bắc, Lạc Sơn, Tân Lạc… hàng vạn hecta sắn đã quá kỳ thu hoạch hiện vẫn ngủ vùi trên nương. Theo thống kê của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, diện tích cây sắn của tỉnh là trên 13 nghìn ha và mới chỉ có khoảng 30% diện tích sắn được thu hoạch. Với năng suất bình quân 11 tấn/ha, ước tính hiện vẫn còn trên 110 nghìn tấn sắn tươi vẫn đang nằm lại trong đất. Việc triển khai trồng mới vụ xuân có nguy cơ bị muộn ít nhất 1 tháng.

Khó khăn mà cây sắn đang gặp phải là đầu ra, hiện nay tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) vẫn còn trên 2.100 tấn tinh bột sắn của các doanh nghiệp chưa xuất đi được. Và vì vậy câu trả lời cho bài toán đầu ra sản phẩm sắn vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Ban Thời sự  – Chính trị – Kinh tế

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận